Quack Quack,
Chào bạn, Mình là Đức. Bạn có thể gọi mình là Vịt. Mình là doanh nhân, tác giả sách và nhà đầu tư. Mình luôn quan tâm và yêu thích những ý tưởng và sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Đầu tiên, mình là Đồng sáng lập của Trao Group. Ước mơ của Trao là mở ra con đường để con người trở về với tự nhiên. Bằng cách làm sống lại văn hóa cho đi với lòng tôn trọng, Trao tham gia sáng tạo một thế giới nơi con người có thể sống chan hòa và hợp tác với thiên nhiên. Kể từ 2012, Trao là nhà cung cấp quà tặng cho hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó có nhiều Công ty thuộc danh sách Fortune 500 Global.
Tết 2020, mình xuất bản quyển sách đầu tay với Trao Books với tựa đề ‘Truyện Gieo – Sự tích Lì xì Hạt giống’. 2 năm sau, mình cho ra đời thêm sách ‘Trí khôn của ta đây – Hậu truyện’ và ‘Người hùng thầm lặng’. Tới đầu năm 2024, sách ‘Sự tích Trầu Cau – Hậu truyện’ cũng đã ra đời. Mình viết nhiều thể loại sách như truyện tranh, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện ngắn và tản văn. Ngoài sách cho thiếu nhi, mình cũng đang viết sách về kinh tế học và quản trị.
Năm 2022, mình bắt đầu sáng tác nhạc. Mình làm việc cùng với nhạc sỹ và viết lời cho các bài hát. Tới năm 2024, mình thành lập Trao Studio và chuẩn bị ra mắt album nhạc thiếu nhi đầu tay có tên là ‘Cọp’ với 7 bài hát. 100% lợi nhuận có được từ việc phát hành album sẽ được đóng góp cho việc bảo tồn Cọp tại Việt Nam.
Ngoài ra, mình cũng là đồng sáng lập của một số dự án tiêu biểu khác. Năm 2016, mình là tác giả của Lì xì Hạt giống và gieo hạt đầu xuân như là một lựa chọn khác cho Lì xì bằng tiền và hái lộc đầu xuân. Tới nay, chương trình đã được lan tỏa tới hơn 500 trường học trên 35 tỉnh thành tại Việt Nam.
Năm 2019, mình nhận thấy điểm sai trong phương trình kế toán đang được áp dụng và giảng dạy. Mình đã sửa nó. Khi được công nhận, giáo trình kinh tế học sẽ cần phải thay đổi trong tương lai gần. Không dừng lại ở đó, mình tiếp tục sáng tạo phương pháp làm việc và quản trị ‘The Trao Way’ – giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn nhưng lại ít ‘stress’ hơn.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về mình và các dự án trong các hộp thông tin dưới đây.
Mình ước mơ có thể đóng góp điều gì đó cho nhân loại. Vì vậy, mình luôn tự hỏi những điều mình làm hôm nay liệu có còn giá trị trong 100, 500 hay 1000 năm nữa không? Liệu những dự án ấy có thể vượt qua những giới hạn của biên giới quốc gia hay nền văn hóa không? nếu câu trả lời là có, thì mình biết mình đã đi đúng hướng.
Làm sao mình biết được điều ấy? Mình tin trí tưởng tượng và óc sáng tạo có thể thay đổi thế giới. Và mọi sáng tạo đều bắt nguồn từ 'sự bình thường'. Nói cách khác là, chúng ta càng bình thường bao nhiêu thì chúng ta lại càng có thể sáng tạo bấy nhiêu.
Năm 2016, ý tưởng 'Lì xì Hạt giống' và 'Gieo hạt đầu xuân' đã đến với mình. Đây là một lựa chọn khác cho truyền thống Lì xì bằng tiền và hái lộc đầu xuân. Bằng cách trao may mắn cho một hạt giống có cơ hội nảy mầm, mỗi chúng ta đều học được cách trao may mắn cho mọi ước mơ trong mình. Và cho tới giờ, dự án đã lan tỏa được tới hơn 500 trường học trên 35 tỉnh thành tại Việt nam. Thành công này đến từ sự bình thường khi dự án giúp mỗi chúng ta gieo hạt nhiều hơn như là cách tri ân thiên nhiên đã trao tặng con người biết bao hoa trái.
Tiếp sau 'Lì xì Hạt giống', mình đã sáng tạo 'Gieo - Quà tặng Diệu kỳ từ Hạt giống'. Thay vì chỉ tặng Lì xì vào tết, Hạt giống giờ đây đã có thể trở thành một món quà mà chúng ta có thể tặng nhau quanh năm. Mình lấy ví dụ vào những dịp dành cho phụ nữ hoặc đám cưới thì tại sao chúng ta lại không tặng nhau hạt hoa thay cho hoa tươi. Cách ấy vừa tiết kiệm lại vừa tự nhiên. Tặng hạt hoa là tặng một khu vườn đang chờ bừng nở, còn tặng hoa tươi là tặng một sự sống đang tàn. Ai đó cũng từng nói 'nếu bạn yêu hoa thì cũng đừng hái hoa'. Từ đó, Gieo đã tạo ra một hệ sinh thái quà tặng hạt giống với các sản phẩm đa dạng từ phong bao, bộ kit tới hộp quà. Chẳng bao lâu, Gieo đã là lựa chọn nhà cung cấp yêu thích của hàng trăm Tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới khi họ cần triển khai các chiến dịch sống xanh.
Trong suốt khoảng 10 năm sau khi ra trường, mình đã luôn nhận thấy có điều gì chưa đúng với các câu truyện cổ tích Việt Nam như cổ vũ nói dối, bạo lực và hận thù. Và mình nghĩ sự thù hận giữa các nhân vật suốt ngần nấy thời gian là đủ rồi, nên đã bắt đầu viết cái kết mới cho các câu truyện cổ tích như Trí khôn của ta đây, Sự tích Trầu cau, Cây Khế, Sơn tinh Thủy Tinh, Tấm Cám ... Mình đặt tên dự án là Diệu - Vũ trụ Cổ tích Nhân văn. Đây sẽ là một sự tiếp nối tự nhiên cho các nhân vật cổ tích tại Việt Nam và trên thế giới nhưng ở một phiên bản nhân văn, tha thứ và yêu thương nhiều hơn. 5 ê kíp họa sỹ minh họa đang làm việc cùng mình trên dự án này.
Bên cạnh truyện cổ tích, mình cũng viết truyện ngụ ngôn. Đó là những bài thơ hoặc những câu truyện siêu ngắn được lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Truyện chứa đựng những góc nhìn mới và sẽ rất phù hợp để làm sách mẹ kể con nghe. Ngoài ra, mình cũng viết các thể loại sách khác như tản văn, truyện ngắn hoặc sách kinh tế cho thiếu nhi.
Đọc nhiều bài báo về nhạc thiếu nhi, mình thấy thị trường này đang bị 'trắng' trong suốt nhiều thập kỷ. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm âm nhạc chất lượng và có tính nuôi dưỡng của các em là rất cao. Xuất phát từ nhu cầu đó, mình đã đầu tư một cách nghiêm túc cho các hoạt động sáng tác. Mỗi tuần, mình dành 1 đến 2 buổi để sáng tác nhạc và phối khí cùng với các nhạc sỹ. Âm nhạc được sáng tác dựa trên các tác phẩm đã hoặc sắp xuất bản của mình. Ngoài ra, chúng mình cũng thực hiện các sáng tác khác theo cảm xúc nữa.
Hy vọng những dự án được ấp ủ thật nhiều tình yêu của mình và đội ngũ sẽ sớm được đến với bạn.
Mình làm website này để chia sẻ với các bạn về hành trình của mình. Mình hy vọng hành trình ấy sẽ thú vị và truyền cảm hứng cho bạn trên hành trình của bạn.
Không theo dự định, nhưng mình thường được mời làm diễn giả tại nhiều sự kiện từ cho các em nhỏ, sinh viên; tới các sự kiện quốc tế.
Năm 2014, sau khi được tổ chức REI đưa sang Mỹ, mình đã trở thành tình nguyên viên của tổ chức. Trong năm đó, mình đã đi thỉnh giảng cùng giảng viên nước ngoài ở nhiều trường như Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông. Ở Sài Gòn, thì mình có tới Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế.
Năm 2017, mình có lần đầu tiên được làm diễn giả trong một sự kiện quốc tế ở New Zealand khi được mời làm 'panelist' trong Hội nghị Thượng đỉnh về Thực phẩm tại Auckland. Trong dịp này, mình có dịp chia sẻ với các doanh nhân các câu chuyện về Việt Nam và cơ hội để họ có thể tham gia vào thị trường này.
Năm 2018, mình làm diễn giả chia sẻ với đoàn EMBA của Đại học FHDW (Đức). Buổi giao lưu đã diễn ra vô cùng sôi nổi với rất nhiều câu hỏi về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam. Mình có rất nhiều nội dung về chủ đề này khi là một cá nhân có sự giao thoa rất nhiều giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.
Mình có 2 lần được mời làm diễn giả cho Tedx. Năm 2018, mình nói về sáng tạo và năm 2023, mình nói về chủ đề sống xanh. Năm 2020, mình cũng có bài chia sẻ tại Techfest về chủ đề 'doanh nghiệp xã hội'. Sau này, mình bén duyên với chủ đề phát triển bền vững nên mình tiếp tục được mời thỉnh giảng cho sinh viên trường Đại học NgeeAnn Polytechniques (Singapore) và Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2024.
Hàng năm, vào các tuần lễ sách, mình thường được mời về làm diễn giả cho các em học sinh trong nhiều trường thuộc hệ thống Vinschool. Mình đã kể cho các em nghe các câu truyện trong bộ sách vũ trụ cổ tích. Truyện được các em hưởng ứng rất nhiều nên mình lại càng có thêm động lực sáng tác.
Mình có cơ hội đi tới nhiều quốc gia và châu lục (chỉ còn châu Phi và châu Nam Cực là mình chưa đi thôi). Hầu hết là được mời bởi các Tập đoàn, Chính phủ hoặc cá nhân. Các chuyến đi thường kéo dài từ vài tuần tới vài tháng giúp mình mở mang và hiểu hơn rất nhiều về bản thân. Dưới đây là một số hành trình tiêu biểu của mình:
Năm 2007, khi đang học năm thứ 2 đại học, mình và team đoạt giải 3 trong cuộc thi viết và thuyết trình kế hoạch kinh doanh do Ngân hàng HSBC tổ chức và được mời đi Hong Kong. Đó là lần đầu tiên mình ra nước ngoài và được tiếp xúc với văn minh nhân loại. Mình đã ghi chép lại rất nhiều điều trong nhật ký Hong Kong và đó cũng là những bước đầu để mình học tập trong hành trình trở thành một doanh nhân.
Năm 2011, mình trúng tuyển chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP 38) và được tới thăm Nhật Bản và 5 nước Đông Nam Á trong hải trình 53 ngày cùng tàu Fuji Maru. Đây thực sự là một trải nghiệm không thể nào quên. Mình có dịp được sống và giao lưu cùng bạn bè tới từ 11 quốc gia trên 1 con tàu giữa biển. Khi tới mỗi nước, mình được ở homestay cùng các gia đình địa phương. Đây là những trải nghiệm văn hóa vô cùng sâu đậm, tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người giữa Nhật Bản và 10 nước Đông Nam Á. Để kể về SSEAYP thì mình có thể kể cả tuần cũng không hết chuyện.
Năm 2014, mình được mời sang Mỹ qua tổ chức REI (Resource Exchange International). Tổ chức này đã đưa 95 bác sỹ người Việt qua Mỹ để tham gia các chương trình học tập ngắn hạn kéo dài 3 tuần. Mình là người thứ 96 và là người đầu tiên từ khối kinh doanh. Câu chuyện đơn giản là bác Don - một thành viên của tổ chức đã đặc biệt quý mến mình, nên muốn thông qua REI để mời mình sang Mỹ. Nhờ thành công với chuyến đi của mình mà sau đó, mỗi năm khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Hà Nội (nơi mình học) đã được bổ sung thêm 2 suất tương tự cho sinh viên và 1 suất cho giảng viên. Mình rất vinh dự được đóng góp vào thành công này của chương trình. Trong thời gian 3 tuần tại Mỹ, bác Don đã đưa mình tới gặp nhiều nhân vật kiệt suất của Mỹ, các Công ty khởi nghiệp ở Sillicon Valley và cả trụ sở của các Tập đoàn lớn (như là Google chẳng hạn). Chuyến đi giúp mình có tầm nhìn rộng hơn về thế giới, cũng như những tiềm năng mà các ý tưởng có thể vươn tới.
Năm 2015, mình được mời đi châu Âu thông qua chương trình của VCCI kết hợp với bộ kinh tế và năng lượng Đức. Mình dành phần lớn thời gian ở Đức trong một học viện xinh đẹp ở thị trấn tên là Westerham, cách Munich khoảng 45 phút đi tàu. Tại đây, mình được học tập cùng các giảng viên người Đức và đi thăm các doanh nghiệp Đức, như là chuyến đi tới nhà máy BMW chẳng hạn. Ở đây, mình được xem dây chuyền giúp nhà máy có thể tạo ra 1 chiếc xe BMW trong 57 giây. Dịp này, mình cũng tới thăm 1 người bạn cũ ở Hà Lan và ghé chơi Salzberg (Áo) - quê hương của Mozart.
Năm 2017, mình được mời tham gia chương trình sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á do chính phủ New Zealand tài trợ (Young Asean Business Leaders - YBLIs). Trong chương trình, mình có dịp được gặp các bạn trẻ tài năng trong khu vực. Một lần nữa, mình lại có dịp được tới thăm các doanh nghiệp và giao lưu với các doanh nhân bản địa. Mỗi một đất nước, mỗi một con người đều như mở ra một thế giới mới với mình.
Sau này, mình cũng tiếp tục đi rất nhiều các chuyến khác. Và cũng được đi đủ nhiều, nên mình không còn hào hứng đi chơi nữa. Mình đã chuyển sang hệ nghỉ dưỡng. Vì mình biết khi mình thư giãn và thả lỏng, tâm hồn và trí tưởng tượng sẽ có thể đến được bất kể nơi nào mà nó muốn.
Mình có rất nhiều sở thích.
Hồi nhỏ, mình thích chơi cờ vua. Mình được đào tạo bài bản về bộ môn này trong sở thể dục thể thao của tỉnh Thanh Hóa. Mình còn được hưởng chế độ lương của vận động viên khi mới 8 tuổi. Vì vậy, mình thường xuyên đoạt giải nhất trong các cuộc thi ở cấp độ thành phố và tỉnh. Tuy nhiên, khi tham gia giải toàn quốc thì mình chưa bao giờ được giải. Đến bây giờ, thỉnh thoảng mình vẫn chơi cờ vua trên mạng với người lạ như là 1 cách để giải trí. Điểm của mình trên chess.com là vào khoảng 2200 với hệ 1 phút. Cờ vua giúp mình học được nhiều điều: sự bình tĩnh, sự tôn trọng và cả sáng tạo nữa.
Khi lên cấp 3, mình bắt đầu bén duyên với âm nhạc. Mình học guitar cổ điển năm 16 tuổi và vẫn tiếp tục học rất nhiều năm sau đó. Tất nhiên là có những lúc nghỉ vài tháng xong rồi lại học. Tới năm thứ nhất đại học thì mình có dịp được biểu diễn độc tấu bản nhạc 'bài ca hy vọng' trong đêm nhạc giao lưu của ban nhạc Lãng Du với 1000 sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Guitar giúp mình bước đầu được chạm vào âm nhạc, điều ấy đã truyền cảm hứng cho công việc sau này của mình rất nhiều.
Nhờ có guitar, mình đã làm quen rất nhanh với đàn piano. Mình có thể phối hợp 2 tay thuần thục mà không gặp khó khăn gì. Buổi đầu tiên đi học mình đã được tập bản 'River flows in you' của Yiruma. Sau này, mình có phần nghiêng về đàn piano nhiều hơn vì nó cũng ít đau tay hơn và âm thanh cũng có phần sang trọng hơn. Piano đã giúp cảm nhận âm nhạc của mình tốt hơn. Và mình hiểu mình có thể ứng dụng những gì mình học trong âm nhạc vào tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống từ viết văn cho tới quản trị một doanh nghiệp.
Sở thích âm nhạc của mình vẫn không dừng lại ở đó. Mình bắt đầu thích đàn violin và nghĩ với nền tảng mình có được từ guitar và piano thì chắc chắn bộ môn này sẽ không làm khó mình được. Tuy nhiên, mình đã nhầm. Một phần quan trọng để có thể chinh phục được đàn violin là phải có tai nghe. Vì đàn violin thì không có phím bấm, mà phải cảm nhận. Và vì thế, cho tới giờ, sau nhiều năm học bộ môn này, mình vẫn chỉ đang ở trình độ beginner. Việc kéo ra giai điệu thì không phải là quá khó, nhưng để âm thanh được đẹp thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hiện tại, mình đã tạm dừng học violin nhưng biết đâu mình sẽ trở lại chinh phục bộ môn này khi khả năng nghe của mình được cải thiện.
Bên cạnh âm nhạc, mình cũng chơi nhiều môn thể thao.
Từ cấp 3, mình đã tập và yêu thích Judo (nhu đạo), là một môn võ đến từ Nhật Bản. Khi tập Judo, mình đã biết đây chắc chắn là bộ môn dành cho mình vì sự dễ dàng và khả năng tiếp thu của mình khi tập luyện. Sau 2 năm tập luyện, mình có đi đấu giải Judo thành phố Hà Nội ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và đạt được huy chương đồng. Khi xem lại những thước phim này, mình cảm thấy mình trông như 'karate kid' vậy. Judo đã cho mình nhiều người bạn. Judo cũng dạy cho mình về 'lấy nhu thắng cương', cũng là điều mà bạn có thể áp dụng trong giao tiếp hay kinh doanh.
Khi lớn hơn 1 chút, mình tập Judo bị chấn thương nhiều hơn, nên mình đã chuyển sang chơi những bộ môn có tính va chạm ít hơn. Và thế là, mình bắt đầu học bóng bàn. Mình rất thích bóng bàn vì tốc độ, sự khéo léo và thể lực. Mình đã mời thầy kèm riêng 1-1 trong thời gian khoảng 1 năm cho nhanh tiến bộ. Đến bây giờ, mình vẫn thích bóng bàn và sẽ chơi bất kể khi nào có điều kiện.
Tập bóng bàn hay Judo sẽ cần có bạn tập cùng, mà mình thì muốn chủ động thời gian. Vì thế, mình chuyển sang môn bơi. Mình thích nước, nhưng lại không quá có khiếu bơi lội. Mình mời thầy kèm để có thể bơi tốt hơn, và sau nhiều khóa học thì mình cũng đã bơi tốt hơn thật. Điều này cho phép mình có thể tham gia những bộ môn thể thao phiêu lưu hơn như là lướt sóng chẳng hạn.
Và cuối cùng là chạy. Bộ môn này đơn giản và hoàn toàn có thể chơi một mình vào bất kể lúc nào. Gần như ngày nào mình cũng sẽ đi chạy, trừ những ngày thời tiết không đẹp. Bạn biết không? Mình cũng có thể thiền chạy đó, mình cứ để cơ thể di chuyển trong trạng thái hoàn toàn thư giãn và đó là cách mà những ý tưởng mới sẽ đến.
Gần như bộ môn nào tham gia, mình học cũng học được nhiều điều hơn phạm vi mà bộ môn ấy. Về mặt nguyên lý, các bộ môn cũng có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, mình có thể học mọi điều trong cuộc sống ngay trong chính các sở thích của mình mà không phải học thêm quá nhiều khóa học. Đó cũng là lý do tại sao mình dành nhiều thời gian cho các sở thích, vì đấy không chỉ là niềm vui, mà cũng là cách để mình phát triển bản thân.
Hành trình và các dự án của mình có may mắn đã được hiện diện trên hàng trăm bài báo và hàng chục chương trình truyền hình. Dưới đây là một số bài báo tiêu biểu về mình:
Nhiều bạn hay hỏi mình câu này. Thực ra thì khi ra nước ngoài cần giới thiệu tên với mọi người, mình nói tên 'Đức' cũng làm mọi người khá khó phát âm, nên mình hay thêm diễn là bạn có thể thêm chữ K vào, nghe cho giống Duck (chú Vịt) và cũng dễ nhớ nữa.
Sau này, mình thấy nickname cũng dễ thương, mà lại được truyền cảm hứng từ hình ảnh của phô mai 'con bò cười', nên mình tạo ra thương hiệu 'con vịt cười'.
Tiếp đó, khi đến trường học giao lưu với các em nhỏ mà các bé gọi là 'con vịt cười' thì cũng hơi kỳ kỳ, nên các cháu gọi chú là 'chú vịt cười'. Và kể từ nó, sự tích về chiếc nickname này đã được ra đời một cách trọn vẹn.