Nước Đức: Nhật ký đi thăm nhà máy BMW – Thành phố Munich ngày 08/06/2015

Trong chuyến sang nước Đức vừa rồi, tôi có dịp được học một môn có tên Tự động hóa trong sản xuất (Automation in Production). Và nơi lớp học đó được diễn ra là nhà máy BMW – Niềm tự hào của nước Đức. Đã được biết đến hãng xe này từ rất lâu, đây là buổi học được tôi vô cùng chờ đợi và quả thực nó đã không làm tôi thất vọng.

– BMW được viết tắt của chữ Bayerische Motoren Werke – tức là công xưởng cơ khí Bayern là một trong 3 hãng xe lớn nhất tại Đức (cùng với Mercedes và Audi). Năm 2014, BMW đã bán được hơn 2 triệu xe trên toàn cầu. Các sản phẩm xe của BMW được sản xuất tại 30 nhà máy và địa điểm ở 14 quốc gia, trải khắp tại 4 châu lục. Nhà máy BMW tại Munich là nhà máy đầu tiên.

– Nhà máy được tọa lạc ngay trong quần thể trụ sở chính của BMW, bảo tàng BMW và một showroom của BMW (tên là BMW Welt – Thế giới BMW). Địa điểm này ở ngay cạnh Olympic Park, cũng là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng. Khi được xây dựng vào năm 1922, nhà máy nằm ở ngoại ô của Munich. Nhưng sau hơn 90 năm đô thị hóa thì giờ đây nhà máy đã nằm ngay ở khu trung tâm của Munich.

– Nhà máy này có khuôn viên rộng 400,000m2 với hơn 9000 người đến từ hơn 50 quốc gia chia thành khoảng 300 nhóm công việc khác nhau để lắp ráp hơn 10,000 phần linh kiện đơn lẻ thành chiếc xe ôtô huyền thoại với thương hiệu BMW (Made by BMW). Nhà máy ở Munich chuyên sản xuất các dòng xe BMW Series 3, BMW 4 Series Coupe và BMW M4 Coupé.

– Nhà máy BMW tại Munich hoạt động 19 giờ một ngày, và cứ mỗi ngày lại cho xuất xưởng khoảng 950 xe. Nếu tính trung bình, cứ mỗi 57 giây trôi qua lại có một chiếc xe BMW được hoàn thành. Nếu mỗi lần đánh răng của chúng ta kéo dài 3 phút, người Đức lại tạo ra thêm được 3 cái xe BMW. Càng thú vị hơn khi 950 xe BMW này đều đã có khách hàng ở đâu đó đặt hàng trên toàn thế giới. Và việc sản xuất tại BMW là hoàn toàn không có tồn kho.

– Nhà máy được chia thành 6 phân xưởng gồm có:

Phân xưởng nén (Press Shop): Đây là nơi các khối thép được biến thành các thành phần của khung xe như trần xe, thân xe và cửa. Dây chuyền tại đây có dài 3.5km, tại trung tâm có máy nén áp xuất cao lên tới hơn 9000 tấn và tốc độ 17 nhịp (dập)/phút. Mỗi ngày, dây chuyền xử lý 600 tấn thép (12 ngày là tương đương với lượng thép làm tháp Eiffel ở Pháp).

Phân xưởng thân xe (Body Shop): Các thành phần tạo nên khung xe BMW sẽ được tạo ra tại đây với nhiều công nghệ nối khác nhau. Robot sẽ ráp nối 6000 điểm khác nhau trên thân xe BMW. Điều đặc biệt là trên cùng một dây chuyền, các con robot có thể cùng lúc sản xuất ra những loại khung xe khác nhau cho những dòng xe khác nhau. Việc kiểm định chất lượng các thành phần cũng được máy làm hoàn toàn tự động. Trước khi được ráp nối vào nhau, robot sẽ lướt phần linh kiện đó qua một chiếc đèn có gắn máy chụp hình. Hình ảnh đó sẽ được so sánh với phần linh kiện mẫu để tìm ra vấn đề nếu có.

Phân xưởng Sơn (Paint Shop): Từ khung xe bằng thép màu trắng, tại phân xưởng này, chiếc xe BMW bắt đầu được khoác lên mình những màu sơn sáng bóng. Trên cùng một dây chuyền, một con robot cũng có thể phun những màu sơn khác nhau cho những chiếc xe khác nhau. Sau khi được phun sơn xong, toàn bộ phần thân xe sẽ được để vào kho, chờ đợi chuyển tiếp vào dây chuyền lắp ráp theo đơn đặt hàng của khách.

Phân xưởng lắp ráp (Assembly): Tại đây, những công nhân sẽ lắp ráp chiếc xe dựa trên sự hỗ trợ của máy móc và tạo ra những chiếc xe hoàn toàn theo đơn đặt hàng của khách. Các đơn hàng sẽ được lập kế hoạch từ nhiều ngày trước đó để các nhà cung cấp của BMW có thể mang tới đây theo đúng trình tự (just-in-sequence) và đúng thời gian (just-in-time) các linh kiện cần thiết.

Chế tạo động cơ (Engine production): đây là thế mạnh cốt lõi của BMW trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tôi được tận tay chạm vào các động cơ của xe BMW như V8 hay V12. Tất cả động cơ xe của BMW trên toàn thế giới đều được sản xuất tại đây.

Hoàn thiện xe và lắp ghế (Equipment and seat production): Đây là bước cuối cùng trước khi chiếc xe BMW kiểm duyệt chất lượng lần cuối, chạy thử và xuất xưởng trước khi bàn giao cho khách hàng.

Thật tiếc là tour tham quan nhà máy này toàn toàn không được chụp ảnh nên tôi không có bất kỳ hình ảnh nào tự chụp cho những sự kỳ vĩ trong ngành cơ khí nước Đức mà tôi được nhìn thấy. Nếu bạn đã từng được xem phim Transformer và thấy các con robot biến hình như thế nào thì tại nhà máy BMW cũng có những con robot dẻo dai và linh hoạt như vậy để lắp ráp xe ôtô. Và các con robot ấy làm việc với sự chính xác tuyệt đối. Khi lên youtube, tôi tìm được một video clip rất thú vị miêu tả quá trình chế tạo từ một mảnh thép tới chiếc xe BMW 3 Series chạy trên đường.

– Để lý giải cho thành công này của BMW, tôi nghĩ có 3 lý do căn bản như sau:

BMW là một Công ty gia đình như hầu hết 95% các doanh nghiệp khác tại Đức. Công nghệ và kỹ thuật cơ khí được kế thừa và phát triển không ngừng trong suốt gần 100 năm qua. Và sự lao động chăm chỉ và sáng tạo đó không chỉ của một mình đội ngũ BMW, mà còn là của hàng ngàn các nhà cung cấp khác cũng đang tạo ra các linh kiện, robot hoặc phần mềm để hỗ trợ BMW tạo ra những chiếc xe tuyệt đẹp.

Văn hóa “Gut geplant, halb gemacht” (lập kế hoạch tốt là thắng một nửa trận chiến). Việc thiết kế và tạo ra một dây chuyền hoạt động trong nhà máy BMW đòi hỏi việc lập kế hoạch chi tiết và chính xác tới tuyệt đối bởi vì chỉ một lỗi nhỏ trong sản xuất thôi thì mọi thứ đều bị đình trệ và chắc chắn BMW sẽ không thể tạo ra 950 chiếc xe đều đặn mỗi ngày. Và việc lập kế hoạch này chắc chắn đã phải được thực hiện rất sớm từ nhiều thế hệ trước. Một người nước ngoài từng nói với tôi rằng:”phương Tây đã tạo được nhiều thành quả bởi vì họ nghĩ từ đầu xuống chân, còn người Việt Nam lại thường nghĩ từ chân lên đầu.” Và đúng như vậy, việc lập kế hoạch thường bị mọi người xem nhẹ tại Việt Nam và chúng ta có thể thấy kết quả cho việc đó ở khắp mọi nơi: nhà cửa, đường xá, công trình công cộng, bất động sản … phải sửa đổi hoặc đập đi làm lại rất nhiều chỉ vì thiếu đi tầm nhìn và kế hoạch từ đầu.

Văn hóa “Der Teufel steckt im Detail.” (con quỷ nằm ở những việc chi tiết). Tức là đối với người Đức, không có việc nào được xem là việc nhỏ hoặc không quan trọng. Họ chi tiết và tỉ mẩn từng tí với mỗi việc nhỏ để giảm thiểu tuyệt đối 100% các lỗi có thể xảy ra. Mỗi con người Đức đều làm việc bằng tất cả trách nhiệm và danh dự của bản thân. Tôi rất đồng ý với quan điểm này bởi vì chúng ta thường không mấy khi thất bại khi làm việc lớn, mà chỉ thất bại khi không làm tốt những việc nhỏ.

Bài viết liên quan

Quan sát khi lòng tham nổi lên

Bạn có biết lòng tham có thể xuất hiện dưới rất nhiều hình thức tinh vi, mà nếu không tinh ý thì chúng ta sẽ không thể nhận ra.

Đọc thêm